Phát sinh từ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển
Theo tinh thần Nghị quyết 33-NQQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung. Chính vì thế Đà Nẵng đã triển khai các công trình, dự án nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Mở rộng một số tuyến đường như tuyến QL14B Giai đoạn 2, hành lang kinh tế Đông Tây, nâng cấp QL14G… Một số dự án mới được triển khai nhưng chưa được hoạch định trong quy hoạch chung lần thứ 2 năm 2013. Các dự án này có tác động đến cấu trúc và định hướng phát triển đô thị.
Trong lĩnh vực giao thông hàng không, cảng hàng không quốc tế quốc tế Đà Nẵng được xác định theo quy hoạch chung có công suất phục vụ đến năm 2020 là 6 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên hiện nay đã đạt đến chỉ tiêu này. Đồng thời để phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017, dự án Mở rộng nhà ga hành khách quốc tế được triển khai gấp rút, quy mô đạt mức tương đương 10 triệu lượt khách/năm. Mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất 20 triệu lượt khách/năm theo quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đối với hạ tầng giao thông đường thuỷ tiếp nhận nội dung quy hoạch cảng biển được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Bổ sung quy hoạch khu hậu cần logistic cho cảng Liên Chiểu giai đoạn sau năm 2050 nhằm đảm bảo chiến lược phát triển cảng với công suất 100 - 120 triệu tấn/năm theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 04/11/2016.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và khu đô thị dịch vụ cảng, mục tiêu phát triển cảng Liên Chiểu đã được đề cập trong quy hoạch chung, tuy nhiên chỉ là định hướng.
Việc hình thành cảng Liên Chiểu và khu đô thị dịch vụ cảng có tầm quan trọng đối với Đà Nẵng và hệ thống cảng quốc gia. Đối với đô thị Đà Nẵng, phát triển cảng Liên Chiểu và hệ thống vận tải phục vụ sẽ tạo ra quỹ đất lớn, làm thay đổi cấu trúc không gian toàn bộ khu vực đô thị và khu vực ven biển phía Bắc thành phố, kéo theo việc thay đổi vị trí cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Các dự án nêu trên mặc dù chưa được xác định hoặc xác định chưa rõ trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung nhưng kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị. Việc triển khai các dự án trên sẽ có tác động lớn đến quy mô, hình thái, cấu trúc và chất lượng đô thị Đà Nẵng.
Những nhu cầu mới của xã hội
Với tốc độ phát triển cao trong những năm gần đây, Đồ án quy hoạch chung được phê duyệt năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế. Cần thiết phải rà soát đánh giá và có điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch chung liên quan đến quy mô dân số, trong đó cần đánh giá lại các chỉ tiêu về hạ tầng đáp ứng lượng dân số không chính thức đang ngày càng gia tăng mà chủ yếu là khách du lịch.
Về các quan điểm chung để phát triển đô thị hiện nay đã có sự thay đổi. Để có một đô thị Đà Nẵng hiện đại và phát triển bền vững, ngoài những mục tiêu phát triển đã được đề ra trong quy hoạch chung, còn cần đảm bảo những yếu tố tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho mọi người; Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; Dịch vụ đô thị đầy đủ, phục vụ cho mọi người dân; Chất lượng cuộc sống tốt, phát triển đa dạng không gian công cộng, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng; Công bằng và hoà nhập xã hội, đảm bảo phân phối lợi ích công bằng cho mọi người dân; Đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững;
Yêu cầu về phát triển không gian đô thị của Đà Nẵng vốn hạn chế về quỹ đất tự nhiên, do vậy cần có chiến lược rõ ràng hơn về phát triển không gian đô thị sao cho hiệu quả sử dụng đất yêu cầu cao nhất.
Từ đó đặt ra các ý tưởng mới về phát triển đô thị như: Đặt vấn đề mở rộng không gian đô thị với việc lấn biển trên cơ sở đảm bảo yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên. Nếu điều kiện tự nhiên phù hợp sẽ là cơ hội để hình thành một khu đô thị kinh tế cảng Liên Chiểu. Đặt vấn đề di dời Sân bay quốc tế Đà Nẵng, có thể đưa ra biển hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch hệ thống sân bay khu vực miền Trung.
Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị theo các xu thế hiện đại như đô thị xanh, đô thị nén, đô thị phát triển theo tuyến vận tải số lượng lớn... Phát triển hệ thống không gian ngầm nhằm tạo thêm quỹ đất đô thị đồng thời nhằm cải thiện chất lượng giao thông đô thị với việc hình thành các tuyến giao thông ngầm.
Xây dựng thành phố thông minh theo đề án Phát triển hệ thống đô thị thông minh, Đà Nẵng là một trong bốn địa phương cùng với các TP Huế, Hạ Long và huyện đảo Phú Quốc được triển khai thí điểm ở Việt Nam trong giai đoạn 1 (2016-2020). Hiện nay Đà Nẵng đã có những tiền đề về hạ tầng thông tin và công nghệ quản lý để có thể đáp ứng tiến độ của Đề án.
Quy hoạch công trình dịch vụ lưu trú (condotel): Mô hình đầu tư căn hộ du lịch trong vài năm gần đây phát triển rất mạnh với nhiều dự án được đầu tư xây dựng tại nhiều đô thị trên cả nước. Xu hướng này đặt ra những thách thức đối với năng lực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị, đặc biệt là tại những khu vực có tầm nhìn phát triển du lịch, dịch vụ. TP Đà Nẵng cần quy hoạch loại hình dịch vụ này để có định lượng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị và trong mối quan hệ với dịch vụ du lịch.
Quy hoạch khai thác tài nguyên theo hướng bảo vệ cảnh quan môi trường: Đà Nẵng là thành phố được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh quan đẹp với nhiều đồi núi. Trong quá trình phát triển đô thị đã khai thác một số lượng lớn đất đá từ khu vực đồi núi. Hiện nay, việc khai thác này đang được quản lý như đối tượng của hoạt động khai thác khoáng sản. Điều đó dẫn đến sự suy giảm về chất lượng môi trường tự nhiên cũng như cảnh quan đô thị. Với tư duy phát triển đô thị hiện đại, các khu vực đệm bao quanh đô thị cần được xem là đối tượng của quy hoạch đô thị nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan chung.
Theo quy hoạch chung, Đà Nẵng có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. Trong quá trình phát triển đô thị, xuất hiện nhiều dự án có yếu tố nước ngoài có tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, đặc biệt là các dự án ven biển. Từ việc hình thành các dự án này kéo theo các vấn đề phức tạp, đặc biệt là khả năng hình thành các khu vực khó kiểm soát do không có người dân bản địa sinh sống hoặc có nhưng tỉ lệ thấp. Việc chuyển đổi các dự án từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác một cách hợp pháp và dễ dàng cũng là một vấn đề cần cảnh báo về an ninh, quốc phòng. Do vậy, cần có sự rà soát và điều chỉnh quy hoạch đối với các khu vực nhạy cảm nhằm tạo ra các yếu tố khống chế và công cụ quản lý hữu hiệu.